Trạm xạc VinFast ở Cung Lễ Hội, Tp Vinh, Nghệ An (Ảnh minh họa)

Một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phổ biến xe điện là mạng lưới trạm sạc đủ rộng và công nghệ sạc đủ nhanh để khắc phục nhược điểm so với xe sử dụng nhiên liệu.

Xe điện nói chung và xe ô tô điện nói riêng được nhận định là tương lai phương tiện di chuyển với những ưu điểm vượt trội như hiệu suất vận hành cao, chi phí nhiên liệu bảo trì thấp cũng như giảm tác động môi trường như tiếng ồn, khí thải…
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phổ biến xe điện là mạng lưới trạm sạc đủ rộng và công nghệ sạc đủ nhanh để khắc phục nhược điểm so với xe sử dụng nhiên liệu.
Bởi vậy, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung – Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực miền Trung (CPC EMEC) tại thành phố Đà Nẵng thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt trạm sạc nhanh xe ô tô điện nhằm khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện tại Việt Nam” đáp ứng những mục đích trên.

Nghiên cứu phát triển trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện là 1 trong 5 công trình vừa đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam năm 2020.
Thạc sỹ Trần Dũng, chủ nhiệm đề tài, cho rằng đây là giải pháp tổng thể về trạm sạc nhanh xe ô tô điện tự nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất lắp đặt vận hành thực tế đầu tiên tại Việt Nam, hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn sạc trên thế giới.
Theo kỹ sư Bùi Phúc Chính, đồng chủ nhiệm đề tài, trạm sạc cho phép khả năng sạc song song cùng lúc 2 vòi sạc, giảm thời gian chờ đợi của khách hàng so với các giải pháp chỉ cho phép sạc tuần tự của các hãng.

Giải pháp được thực hiện theo cách tiếp cận thiết kế, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam từ khâu nghiên cứu phát triển, gia công, phát triển phần mềm, lắp đặt thiết bị bao gồm từ khâu phân tích, thiết kế chi tiết như: vỏ tủ trạm sạc, bố trí các thành phần cấu thành…và sau cùng viết phần mềm vận hành, giao diện người dùng cùng các tiện ích đi kèm.
Trạm sạc được phát triển theo hướng kết hợp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời nhằm tận dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện sẽ góp phần giảm thiểu, hạn chế việc sử dụng các nguồn năng lượng điện có tác động đến môi trường như nhiệt điện, thủy điện,… khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trên các sản phẩm khoa học công nghệ.

Nhóm tác giả đã nghiên cứu mô hình thiết bị lưu trữ điện năng (Vehicle to Grid) và đã thử nghiệm thành công điều khiển phát ngược năng lượng từ nguồn giả lập pin xe ô tô lên lưới điện thông qua khối kiểm soát công suất (Inverter) tích hợp trong mô hình trạm sạc 2 chiều.
Đánh giá kết quả đề tài, ông Trần Đình Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), nêu rõ: Kết quả của đề tài giúp giảm chi phí đầu tư hệ thống trạm sạc so với việc mua thiết bị ngoại nhập do có sự tự chủ nghiên cứu và thiết kế phần cứng phần mềm thiết bị.

Thiết bị trạm sạc nhanh có giá chỉ khoảng 2/3 giá thành trạm sạc ngoại nhập; giảm chi phí bảo trì sửa chữa trong quá trình vận hành, chỉ thay thế mô đun bị lỗi, không cần phải thay thế toàn bộ khối, vật tư thiết bị có sẵn trong nước.
Cùng với đó, kết quả của đề tài cũng tạo tiền đề để phát triển mở rộng hệ thống trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sạch vào trong thực tiễn, khuyến khích phát triển các giải pháp kỹ thuật xung quanh hệ sinh thái xe điện.

Giải pháp mang đến thị trường trong nước một sản phẩm công nghệ tiên tiến, của người Việt đáp ứng hoàn toàn xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật mới nhất của công nghệ ô tô. Đề tài cũng tạo động lực để các nhà phát triển ứng dụng khác trong nước mạnh dạn nghiên cứu các sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến tạo các sản phẩm riêng cho Việt Nam.
Sự phổ biến của xe điện sẽ giúp cho việc hạ xuống mức thấp nhất sự phát thải khí gây ô nhiễm môi trường từ động cơ ô tô cũng như ô nhiễm tiếng ồn so với khi sử dụng xe chạy bằng nhiên liệu. Việc triển khai lắp đặt hạ tầng trạm sạc nhanh xe ô tô điện sẽ khuyến khích người dân trang bị xe ô tô điện làm phương tiện di chuyển trong đô thị để giảm tình trạng ô nhiễm.

Ngoài ra, việc nghiên cứu sản phẩm của đề tài với công nghệ tiên tiến mới nhất của thế giới cũng giúp nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của nền khoa học – công nghệ Việt Nam, cũng như tạo ra việc làm cho các mảng công việc sản xuất, lắp ráp và vận hành bảo dưỡng trạm sạc.
Trên cơ sở dự án “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và phát triển trạm sạc điện cho phương tiện sử dụng năng lượng điện” với Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), nhóm tác giả đã lắp đặt 2 trạm sạc tích hợp tại cửa hàng xăng dầu tại thành phố Đà Nẵng (Cửa hàng xăng dầu Lê Văn Hiến, Cửa hàng xăng dầu Hoà Xuân) và 2 trạm sạc này đã được vận hành từ tháng 7/2020./.

0931 393 969