(Dân trí) – Hai chủ xe VinFast VF e34 đã thực hiện thành công chuyến đi liên tục từ Hà Nội vào TPHCM trong 48 giờ, lăn bánh trên 1.970km, trải qua 11 lần dừng để sạc pin và tranh thủ nghỉ ngơi.

15h chiều 9/3, hai chiếc VinFast VF e34 đã hoàn thành hành trình xuyên Việt với điểm cuối là TPHCM, sau khi khởi hành từ trưa 7/3 tại Hà Nội.

VinFast e34 thử thách hành trình xuyên Việt khi xăng tiến sát 30.000 đồng - 1
Nhóm 4 người đã thay nhau lái 2 chiếc VinFast VF e34 từ Hà Nội vào TPHCM (Ảnh: Nguyễn Mạnh Thắng).

Hai xe VF e34 này thuộc lô đầu tiên được VinFast giao tới tay khách hàng cuối năm 2021. Trải qua khoảng 3 tháng chạy ở quãng đường trung bình và ngắn, những chủ xe trên đã quyết định thử thách mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam ở phạm vi xa hơn, với nhiều cung đường hơn.

“Trước khi khởi hành, xe đã được kiểm tra kỹ lưỡng. VF e34 không có lốp dự phòng nên tôi đã tráng keo lốp để hạn chế “ăn” đinh. Dĩ nhiên không thể thiếu những chuẩn bị về sức khỏe, tinh thần và đồ ăn uống…”, anh Lê Tùng Anh, một trong hai chủ xe cho biết.

Chủ xe còn lại là anh Nguyễn Mạnh Thắng, người từng lái VF e34 chinh phục đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) để thử khả năng hoạt động của xe điện trong điều kiện thời tiết 1 độ C. “Qua hành trình xuyên Việt, hi vọng sẽ giải đáp thêm thắc mắc của nhiều người về xe điện, trạm sạc… trên mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam”, anh nói.

Nhóm lên mục tiêu hoàn thành chặng đường xuyên Việt trong 48 giờ, bao gồm cả thời gian chờ sạc pin. Mỗi xe sẽ có hai người, thay nhau lái liên tục. Trong khi sạc pin sẽ tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi và làm các công việc cá nhân.

Đi xuyên Việt bằng ô tô điện có gì khác?

Cách thức vận hành khác với xe xăng và đây là loại phương tiện khá mới mẻ tại Việt Nam nên có những thách thức đặt ra khi đi xuyên Việt với VF e34. Theo công bố, mẫu ô tô của VinFast có thể chạy được 285km sau một lần sạc. Thử nghiệm thực tế thì con số này vào khoảng 240km và sẽ ngắn hơn nữa vì không đi tới mức cạn pin.

VinFast e34 thử thách hành trình xuyên Việt khi xăng tiến sát 30.000 đồng - 2
Trên hành trình xuyên Việt, hai xe VF e34 đều sử dụng trạm sạc công cộng được VinFast xây dựng (Ảnh: Phạm Minh).

Ước tính trung bình nhóm đi khoảng 120-180km thì sạc một lần. Hành trình đều sử dụng các trụ sạc công cộng với công suất cao, sạc lên 80% mất khoảng một giờ. Nếu sử dụng bộ sạc di động cá nhân, thời gian sạc lên tới 8-10 tiếng, sẽ không thể đạt mục tiêu hoàn thành cung đường trong 48 tiếng. Nhóm cũng không sạc pin lên 100% vì từ 80% trở đi việc sạc sẽ lâu hơn.

“Tính toán là vậy nhưng hành trình có rất nhiều phát sinh. Chẳng hạn như điểm sạc ở TP Vinh (Nghệ An) thì hệ thống được VinFast cập nhật về giao thức nên mất 3 tiếng để sạc. Hay như khi chúng tôi đến Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận) và dự định chạy tới Bình Thuận và về TPHCM. Tuy nhiên tất cả trạm sạc VinFast ở Bình Thuận đã lắp đặt nhưng vì lý do nào đó mà chưa kích hoạt nên chúng tôi lại chạy ngược lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) rồi chuyển sang Biên Hòa (Đồng Nai) rồi mới về TPHCM”, anh Tùng Anh kể lại.

Trải nghiệm và chi phí đi xuyên Việt của VF e34 ra sao?

Theo ước tính của anh Tùng Anh, xe trải qua 11 lần sạc và hết tổng cộng 330kW điện, theo giá điện 2.834 đồng/kW (một số điện), tính ra mất chưa đến 1 triệu đồng tiền sạc điện cho cả hành trình. Xe đăng ký gói pin không giới hạn số km chạy với mức thuê bao 1,8 triệu đồng một tháng. Cộng tổng hai khoản tiền “nhiên liệu” là 2,8 triệu đồng cho 1.970km.

Để so sánh, một xe crossover hạng C chạy xăng như Hyundai Tucson sẽ tiêu thụ khoảng 7 lít cho 100km.  Đi 1.970 km sẽ hết 137,9 lít, giá xăng hiện nay gần 26.830 đồng/lít thì sẽ hết 3,7 triệu đồng. Nếu xăng tăng lên 30.000 đồng thì riêng tiền xăng để chạy cung đường trên sẽ mất hơn 4,1 triệu đồng.

Để thực hiện chặng từ Hà Nội vào TPHCM, nhóm còn phải trả khoảng 1 triệu đồng phí đường bộ cho mỗi xe.

VinFast e34 thử thách hành trình xuyên Việt khi xăng tiến sát 30.000 đồng - 3
Hai xe VinFast VF e34 đã hoàn thành chặng Hà Nội – TPHCM trong 48 giờ, tính cả thời gian sạc pin (Ảnh: Phạm Minh).

“So với xe nguyên bản thì VF e34 của tôi có tráng keo chống đinh cho bốn lốp. Tôi khá bất ngờ là xe cho khả năng cách âm tương đương với chiếc sedan Lux A2.0”, anh Tùng Anh chia sẻ. “Chạy tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tốc độ 100km/h, sử dụng thiết bị đo độ ồn thì chỉ ở mức 65dB”.

Theo anh Tùng Anh, lái xe điện đi xuyên Việt “khỏe” vì khả năng tăng tốc rất nhanh do gần như không có độ trễ. “Sau hơn nửa chặng, tôi và người lái xe cùng đã quen với việc sử dụng xe điện mà gần như không dùng tới phanh vì khi nhả chân ga là VF e34 sẽ tự hãm và thu hồi năng lượng để nạp cho pin. Vì thế mà đi 180km xe hết khoảng 70-75% pin”, anh nói.

Nhóm đi cũng chia sẻ một kinh nghiệm cho người đi ô tô điện chặng dài nói chung là nên duy trì xe ở tốc độ tối ưu nếu muốn tiết kiệm pin. Chẳng hạn VF e34 chạy ở 90-100km/h sẽ tiêu hao năng lượng thấp hơn đáng kể so với việc chạy xe ở 120km/h.

“VF e34 bản chất là một chiếc xe điện dành cho đô thị, hướng tới những người đi lại trong khoảng cách vừa phải. Đưa mẫu ô tô này đi xuyên Việt là một thử thách không nhỏ nhưng bằng thực nghiệm đã thấy hoàn toàn khả thi. Hành trình cũng nêu bật một vấn đề đó là với ô tô điện thì hạ tầng trạm sạc là rất quan trọng”, anh Phạm Minh, một lái xe khác trong hành trình, cho biết thêm.

“Xe Tesla có thể đi được tới 500km mỗi lần sạc đầy nhưng tới nay chưa có chiếc nào đi được xuyên Việt. Việc sạc bằng trạm sạc nhanh gấp 15 lần so với cắm điện dân dụng 220V. Bởi thế nếu là Tesla hay bất kể xe điện nào khác mà phải sạc ở khách sạn bằng bộ sạc di động thì ngày sau mới đi tiếp được. Rõ ràng xe điện phải trông cả vào hạ tầng”, anh Minh đánh giá.

Sau khi thực hiện đi từ Hà Nội vào TPHCM trong 48 giờ, hai chiếc xe điện sẽ được nhóm lái ngược trở lại Hà Nội. Ở lần này, hành trình không bị “ép” hoàn thành trong hai ngày nên các thành viên sẽ dừng nghỉ nhiều hơn.

0931 393 969