Kinh nghiệm lái xe an toàn đường núi luôn là điều cần thiết cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác bay bổng, bất ngờ và khám phá những điều mới lạ. Dưới đây là 10 kỹ năng cần thiết giúp bạn có được những chuyến đi an toàn và thú vị
1. Đảm bảo phanh, cần gạt nước, sưởi, điều hòa, ống xả luôn trong tình trạng tốt
Kinh nghiệm lái xe an toàn cho thấy trên các tuyến đường núi gập ghềnh nhiều khúc cua, hệ thống phanh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cùng với thời gian, dầu phanh thường mất độ ẩm và có lẫn tạp chất gây ô nhiễm và làm giảm độ sôi. Khi sử dụng phanh thường xuyên khiến dầu sôi làm mất tác dụng của phanh. Do đó, người lái xe cần phải kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo phanh dầu và dầu hệ dẫn động đầy đủ. Việc thay dầu phải đảm bảo đúng thời gian khuyến cáo.
2. Đảm bảo không xuống dốc nhanh hơn khi lên dốc
Rất nhiều người có thói quen xuống dốc quá nhanh và thường xuyên sử dụng phanh hãm. Tuy vậy, đây là điều hoàn toàn không nên. Lái xe nên đảm bảo tốc độ xuống dốc không nhanh hơn tốc độ lên dốc. Để làm được điều này, người lái xe cần chú ý nguyên tắc lên số nào xuống số đó. Đối với số sàn, nên sử dụng số 2, số 3 tùy thuộc vào độ dài và dốc của đèo. Với xe số tự động, người lái xe nên trả về chế độ S, L hoặc D1, D2, D3 hay chế độ bán tự động “+, -“.
Kỹ thuật phanh an toàn mà các chuyên gia khuyên dùng là kiểu phanh giữ tốc snubbing. Theo đó, khi bắt đầu đổ đèo, người lái xe nên thiết lập tốc độ và cấp số phù hợp với độ dài và độ dốc của đèo. Tuyệt đối không nên sử dụng kiểu rà phanh liên tục (trail-braking) trong trường hợp này. Ví dụ khi ô tô đang chạy với tốc độ 40 km/h ở số 3. Lúc bắt đầu thả dốc, người lái xe không dùng chân ga và chân côn mà chỉ nên dùng chân phanh. Khi xe trôi xuống dốc, máy sẽ kêu to hơn và trôi nhanh dần, lúc này người lãi nên nhấp giữ phanh khoảng 3 giây để cho xe về lại tốc độ cần thiết rồi lại thả ra để xe tự trôi, cứ tiếp tục như thế cho những đoạn đường còn lại
3. Khi lên dốc, trả về số thấp, quan sát các mức nhiệt độ trên bảng đồng hồ, nếu thấy quá nóng thì nên tắt điều hòa không khí
Trong trường hợp cần làm mát động cơ, người lái xe nên tìm nơi đỗ an toàn ngoài đường di chuyển, để cho xe chạy không tải. Đặc biệt, lái xe cần lưu ý không tắt máy và tuyệt đối không mở nắp két nước. Ngoài ra, lái xe có thể bật chế độ sưởi (nếu có). Cách này sẽ giúp làm mát động cơ nhanh hơn nhưng nhưng sẽ gây một chút khó chịu cho lái xe.
4. Không nên ôm vạch chia đường
Nhiều người thường có thói quan bám vạch chia đường để chạy. Vậy nhưng kỹ thuật này lại hoàn toàn không nên áp dụng khi bạn chạy xe đường đèo, núi. Vì đường đèo, núi thường hẹp hơn nhiều so với đường quốc lộ ở đồng bằng nên nếu áp dụng việc bám vạch chia giữa đường để chạy sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe. Trường hợp xấu, việc lái xe như vậy có thể dẫn đến tai nạn mà không kip xử lý đặc biệt là đối với những xe đi ngược khi vào đoạn đường cua.
5. Nhường đường cho xe khác không bao giờ là thừa
Đường đèo, núi thường hẹp và dốc nên việc nhường đường cho xe khác là điều cần thiết. Đặc biệt với những xe đang lên dốc mà có xu hướng vượt thì cần nhường đường. Đường núi dốc làm hạn chế sức mạnh của động cơ. Do đó, thời gian để xe lên dốc vượt và trở lại làn sẽ lâu hơn so với đường bằng. Vì vậy để đảm bảo an toàn, sau khi xe đó vượt, cần dành một khoảng thời gian đủ để xe đó trở lại đúng làn.
6. Dù ngắm cảnh hay lên dốc cao vẫn cần đảm bảo chạy chậm
Đường đèo, núi thường hẹp hơn nhiều so với đường đồng bằng. Do đó, việc một xe chạy với tốc độ chậm chắc chắn sẽ khiến các xe sau cũng phải chạy chậm. Tuy nhiên không nên vì điều đó mà lái xe vội vã lái xe nhanh. Nếu muốn “giải phóng” các xe sau, người lái xe hoàn toàn có thể tìm nơi thuận tiện để các xe sau vượt lên.
7. Khi đi vào những đường đèo dốc, không rải nhựa
Nếu phải đi vào những đoạn đường đèo dốc, không rải nhựa, người lái xe cần chú ý 3 nguyên tắc sau. Thứ nhất, cần theo dõi tình hình thời tiết ở nơi sắp đến, nếu mưa gió lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, lái xe trong thời tiết này dễ bị sa lầy. Thứ hai, cần đảm bảo đi chậm hơn bình thường do đường không rải nhựa có độ bám kém, rất dễ xảy ra tai nạn. Thứ ba, cần báo cho người khác biết nơi bạn sẽ đến để họ có thể giúp đỡ nếu như có điều bất chắc sảy ra.
8. Đảm bảo trên xe luôn có nước uống và phải nhớ uống cả ngày
Những đèo, núi dốc cao, độ ẩm thấp hơn nên dễ khiến cho lái xe bị say độ cao, mệt mỏi. Vì thế, lái xe cần đảm bảo luôn cung cấp cho cơ thể đủ nước để giữ tỉnh táo. Bên cạnh đó, lái xe cũng cần đảm bảo xe phải được đổ đầy bình nhiên liệu nếu không muốn lâm vào tình trạng cạn nhiên liệu dọc đường.
9 Lái xe trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa gió, tuyết
Đây là kiểu thời tiết không hề thuận tiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Vì vậy, người lái xe cần đi chậm, chú ý quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường.
10. Nghỉ giữa chặng thường xuyên
Đi đường đèo núi cần tập trung cao độ và thân xe chuyển hướng nhiều với những khúc cua nên dễ khiến người trên xe căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, dù có vội vàng đi nữa thì người lái và hành khách trên xe nên bố trí nghỉ giữa chặng đường thường xuyên.
Nguồn: Vnexpress